Ngày 26/3, tại Thái Nguyên, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Trường Cao
đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên tổ chức Hội thảo đào tạo nguồn
nhân lực du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với sự tham gia của
gần 100 đại biểu là các chuyên gia, các trường đào tạo về du lịch, các
cơ quan quan quản lý cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khu vực
trung du và miền núi phía Bắc. Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh: Hoà
Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên
Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang
có diện tích lớn trên 95640km2, số dân hơn 11 triệu người, chiếm khoảng
28,8% diện tích tự nhiên và 13,1% số dân cả nước, gắn với các hành lang
và các cửa khẩu quan trọng với Trung Quốc và Thượng Lào.
Phát
biểu khai mạc hội thảo, bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục
Du lịch nhấn mạnh, trong chiến lực phát triển du lịch 2011 – 2020 tầm
nhìn đến 2030 xác định trung du và miền núi Bắc Bộ là một trong 7 Vùng
Du lịch của cả nước, với tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, sẽ
đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch văn hoá, sinh thái, cộng đồng kết
hợp với nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm và du lịch quá cảnh. Để thực hiện
Chiến lược, có ba vấn đề quan trong cần được tập trung là hạ tầng, cơ sở
vật chất kỹ thuật du lịch, thể chế và nguồn nhân lực du lịch. Trong đó,
phát triển nguồn nhân lực du lịch cho toàn vùng là nhiệm vụ mang tính
quyết định, cần được đưa lên hàng đầu để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất
lượng dịch vụ phục vụ du khách. Công tác đào tạo phải được thực hiện
thường xuyên, liên tục với các đối tượng tham gia trực tiếp hay gián
tiếp vào hoạt động du lịch của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển du
lịch trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu và toàn diện.
Hội
thảo có 10 tham luận, xoay quanh chủ đề định hướng đào tạo nhân lực,
những nghề và chuyên ngành cần tập trung đào tạo, thời lượng và hình
thức đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Tại đây nhiều vấn đề cụ
thể được đưa ra thảo luận như sự gắn kết và hợp tác giữa ba “nhà” : quản
lý, doanh nghiệp, đào tạo; làm thế nào để khuyến khích người theo học
các nghề có nhu cầu cao nhưng khó tuyển sinh, vấn đề sử dụng lao động
trong các doanh nghiệp du lịch và nâng cao chất lượng nhân lực du lịch
trên địa bàn.
Trong tham luận của mình, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó
Vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã đề xuất 4 nhiệm
vụ chủ yếu trong công tác phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới,
đó là : kiểm kê đánh giá lại nguồn nhân lực của mình để có kế hoạch đào
tạo đúng và phù hợp; tạo môi trường thuận lợi cho đào tạo bồi dưỡng
nguồn nhân lực; tiêu chuẩn hoá một bước nhân lực du lịch ở các lĩnh vực
ngành nghề theo yêu cầu của địa phương, trong nước, phù hợp với các hệ
thống tiêu chuẩn quốc gia và vươn lên đạt tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh
xã hội hoá công tác đào tạo bồi dưỡng để tăng cường huy động và sử dụng
có hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.
Kết
thúc hội thảo, các chuyên gia đã tìm ra nhiều giải pháp về phát triển
nhân lực du lịch Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đặc biệt là việc
truyền nghề, nâng cao thời lượng thực hành và phối hợp lồng ghép việc
tuyên truyền giáo dục du lịch cộng đồng.
Hội thảo “Đào tạo nguồn
nhân lực du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ” là cơ hội để các
chuyên gia, các đơn vị đào tạo, các Sở Văn hoá thể thao và Du lịch, các
doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, đồng thời là cầu nối cho các cơ sở du
lịch, địa phương gắn kết phát triển du lịch Vùng đồng bộ theo chiều
sâu, đáp ứng nhu cầu của du khách, và tạo dựng thương hiệu du lịch của
khu vực.
|